Tuesday, February 5, 2013

Lê Cát Trọng Lý và café Nếp, một thời để nhớ...

  Lẩn khuất trong một ngôi nhà cũ kĩ, ngột ngạt gần cuối đường Ngô Thời Nhiệm.  Không địa chỉ, không bảng hiệu và không cả cái gọi là... lối đi, café Nếp như một điểm hẹn thú vị cho những ai thích sự gần gũi, giản đơn.
     Khách đa phần là những các bạn trẻ, những sinh viên, công chức... Sẽ chẳng còn chỗ để ngồi nếu ta không í ới gọi điện đặt trước. Cứ mỗi đêm về, lại chật ních người chen chúc nhau bên lối cầu thang tối tăm, chật hẹp. Các bạn trẻ đến Nếp để thư giãn, để thả lỏng tâm hồn mình đang ngày càng căng cứng. Im lắng mà nghe lại những bản tình ca với giọng hát trần mộc mạc, tự nhiên, không vướng víu. Bên cây guitar thùng bập bùng. Bên tiếng đàn violon kéo réo rắt. Và đôi khi là cả một cây đại hồ cầm “khủng bố”.
     Nhưng trên hết, người ta đến đây là vì chị em nhà Lý.

                               
                                   
          “Xin hãy đến đây tôi kể cho nghe, câu chuyện về một người em gái xinh...
            Và xin hãy đến đây tôi kể cho nghe, câu chuyện về một người điên rất vui...”
                                                                                                                      (Nghe tôi kể này)
     Đó là bài hát đầu tiên tôi nghe từ Lý. Giai điệu nhẹ nhàng, thoang thoảng như là một lời giới thiệu chân thành giữa chủ nhà và khách, để hiểu và...thông cảm nhau hơn.
     Ngày ấy, Lý chưa dự thi Hát cho niềm đam mê, chưa tham gia và toả sáng ở sân chơi Bài hát Việt với bài hát đình đám Chênh vênh, một đoản khúc tình yêu đầy chất ma mị và ai oán.
     Lý nhỏ người, khuôn mặt xinh xắn. Nếu ai muốn liên tưởng giữa tiếng hát và... giọt sương buổi sáng tinh mơ thì đem giọng Lý  ra mà so sánh là chuẩn nhất. Nó tinh khôi và trong vắt. Phong cách trình diễn của Lý rất hồn nhiên, giản dị. Khi hát, gặp đoạn biểu cảm, khuôn mặt như nũng nịu, đôi mắt Lý thỉnh thoảng lại tròn xoe, lúng la lúng liếng...
     Nhưng ở thái cực đối nghịch lại hoàn toàn, ca từ trong các sáng tác của Lý , đôi khi phải làm ta... đau  đầu. Một cơn đầu thích thú.
     Này nhé, là chút tinh nghịch : “Giận anh, em ném niềm vui lên trời. Giận anh, em ném bình yên vào núi...  Anh là con trai, người ta nuôi lấy ngọc.  Anh là con thú, người ta nuôi lấy thân”  (Ghen) , “Chi bằng hát tràng!  Rồi cười Âu Cơ.  Cười chàng Long Quân.  Rồi cười Eva.  Thầm cười Ađam!”  (Cười Adam)...
     Là lời tình nồng nàn, say đắm : “Này ta yêu ta hôn ta say ta khát  Này ta yên ta nghe bên tai ta thì thầm Gió... thì thầm kìa anh Nắng... thì thầm kìa em” (Mùa Yêu). “Em làm mùa xuân chín trong nụ cười tươi sáng  Em rạo rực nghìn năm, trong mùa hạ tình yêu  Em nhìn tựa mưa thu, trao tình cùng cây lá” (Nghe tôi kể này)...
     Là chút triết lý, phảng phất vị thiền : “Thương em anh trèo non cao  Mua mưa thâu mây tan mệnh bạc  Thương em anh lội sông sâu Trôi hương trôi hoa tan phận ngọc...”  (Chênh vênh) ,  “Em sinh ra lạc thời Em đi hoang lạc đàn  Em giam thân lạc loài   Em u mê lạc lối...” ( Hương Lạc) ....
.
                       
                                    Như là - một sáng tác mới của Lê Cát Trọng Lý
     Rất nhiều người đã nhận xét rằng Lý giờ chơi ghita thật siêu và đỉnh. Nhưng ngày ấy, nếu chỉ xét riêng về mặt kĩ thuật, Lý chỉ đánh được ở mức tròn trịa cho một bài hát, đôi lúc tay chuyển gam còn ngập ngừng, lỡ nhịp. Nhưng Lý đã có một thứ khác để chinh phục hoàn toàn người nghe, ấy là cảm xúc.
     Trái ngược hoàn toàn với một số ca sĩ khác trong làng giải trí, thường vẫn hay cầm đàn như một phương tiện trình diễn và đôi khi, nó là vật trang trí cho ra chất ...“nghệ sĩ”. Nhưng với cây guitar trong tay, nhìn cái cách Lý nâng niu ôm lấy và gãy, mới thấy đây chính là một đôi tri kỉ. Tiếng đàn và giọng hát Lý hoà nguyện vào nhau. Và nếu ai có ý định tách rời nó ra, đó chắc chắn là một việc làm không thể.
     Nhưng bài hát mà tôi thích và “mê” nhất trong các sáng tác của Lý lại là ca khúc ít người biết đến : Nghèo.

                        "Thế hệ tôi, phút chốc vui , phút chốc buồn
                                  Cười một mình, khóc cũng một mình
                                 Thừa nhiệt tình, thiếu niềm tin, giàu hi vọng nhưng nghèo hoài bão…”

     Ca từ như một cuộc trò chuyện giữa thế hệ người trẻ đương thời với những người đi trước, nhắn nhủ cả với bạn bè xung quanh đâu đó. Chân thành và không sáo rỗng.
     Tôi không phải là một... “bợm” , nhưng mỗi lần nghe Lý hát bài này, lại thấy mình thèm thuồng...một ly rượu. Đắng ngắt để say lòng, để chếnh choáng.                           
                       “Nghèo tất cả, trừ tiền ra...
                        Ôi,
                        Nghèo tất cả, trừ tiền ra...”
                            
                   Thèm lắm một ly rượu để chếnh choáng... (Nghèo- Lê Cát Trọng Lý_guitar Trường Sa)
.

     Nhưng người ta đến quán Nếp còn là vì muốn nghe Tiên hát và...nói chuyện.
     Tiên là chị ruột Lý, dáng nhỏ nhắn, đi đứng cực kì nhanh nhẹn. Khi trò chuyện, cử chỉ của Tiên có thể gói gọn trong một từ : ... điệu. Và đặc biệt, Tiên có khả năng nói không ngưng nghỉ về bất cứ đề tài gì, vấn đề gì. Nói hàng giờ mà không bao giờ lập lại ý đầu. Từ những chuyện rất bình thường như chia sẻ về một quyển sách hay vừa đọc, một cuốn phim thú vị vừa xem... Đến những chuyện mang hơi hướm lãng mạn như bình về những ngọn nến đang cháy và ...số phận sau đó của chúng. Đến cả những chuyện hết sức vu vơ như cảm nghĩ về ...cái càng ghẹ lúc chiều vừa mới ăn...v..v...  Lúc Tiên nói, đừng dại miệng mà xen vào nhá.  Bởi khi vui thì thôi, “nàng” sẽ nhẹ nhàng trao đổi ; gặp lúc bực bội, “nàng” sẳn sàng quát tháo, la hét mặc kệ tất cả xung quanh...
     Nhưng mọi người vẫn luôn hiểu và thông cảm cho cái chất nghệ sĩ có phần...quá đáng kia của Tiên. Tiên hát hay hơn tất nhiều so với Lý. Dáng người nhỏ nhắn nhưng có cảm giác, Tiên chưa khi nào phải gồng sức, đuối hơi. Giọng của Tiên đấy chất hoài cổ và da diết.  Từ những bài tình ca của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng...đến các sáng tác của Phú Quang, Dương Thụ... Tiên hát rất ngọt ngào và có nét duyên riêng.
     Những lúc buồn, dù khách có yêu cầu hay không, thế nào Tiên cũng ngân nga : “ Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi  Còn gì đâu nữa mà khóc với cười  Mời người lên xe, về miền quá khứ...”  (Nghìn trùng xa cách- Phạm Duy), rồi sau đó là  “Ngày em thắp sao trời  Chờ  trăng gió lên khơi  Mà mưa bão tơi bời  Một ngày mưa bão không rời, trên đôi vai thanh xuân...” (Dạ khúc cho tình nhân-Lê Uyên Phương). Tiên hát say sưa, bất chấp khách đến quán có thích hay không.  Bởi : “Tiên đang buồn mà...”
     Cũng có đôi khi, hai chị em cùng song ca vài bài hát Tiếng Anh bất hủ. Cách phát âm của Lý chuẩn và có vẻ du dương hơn Tiên. Nhưng mọi người hay yêu cầu nhất lại là các bài hát dân ca như Hát hội trăng rằm, hay Giọt mưa trên lá (Phạm Duy) . Tiên hát chính, Lý hát bè đuổi theo. Hai chị em hát mà cứ như đang chơi đùa một trò chơi trẻ con, hái hoa bắt bướm gì đấy. Rất trong trẻo và hồn nhiên.
     Những buổi trưa vắng khách, tôi hay tìm đến quán. Tiên đôi lúc rất cởi mở. Thỉnh thoảng tôi chọc vài câu là Tiên lại nhảy vào bàn luận, thậm chí tranh cãi. Tiên hay đem một đống vải lùng nhùng ra, cắt, ghép,  để làm rèm buông, làm khăn trải bàn. Rồi vừa làm, vừa trò chuyện. Kiến thức Tiên cực kì rộng, cơ bản từ cổ chí kim. Và đặc biệt rất mê...Bùi Giáng. Những lúc ấy tôi cứ nghĩ, phải chăng là có một sự đồng cảm nào đó trong tâm hồn nghệ sĩ, giữa những người đã vượt khỏi giới hạn bình thường trong cái gọi là... ”cõi người ta” ?
.
                            
                     Hai chị em đang đùa nghịch, đuổi bắt... (Hát hội trăng rằm-Cát Tiên_Trọng Lý)
.
     Quán Nếp giờ đã thay tên, đổi chủ. Hình ảnh cuối cùng mà tôi nhớ về nó, ấy là cái dáng ểnh ểnh của Tiên khi mang cái bụng bầu to tướng đi đi lại lại, miệng luôn lẩm bẩm điều gì đó mà mình chưa hài lòng. Và ở một góc quán, Lý đang cầm quyển sách, chân vắt chéo lên ghế. Đọc rồi cười khúc khích, khúc khích...
           “Xin hãy đến đây tôi kể cho nghe, câu chuyện về một người em gái xinh...
             Và xin hãy đến đây tôi kể cho nghe, câu chuyện về một người điên rất vui...”                                                                                        
     Chuyện về người em gái xinh ấy, thỉnh thoảng tôi có thể bắt gặp ở cafe Yên, ở một vài chương trình biểu diễn riêng ngoài Huế, Hà Nội.... hay trên một bài báo giới thiệu.  Để biết rẳng Lý vẫn thong dong với sự lựa chọn thú vị của riêng mình, trên con đường nghệ thuật dài vô tận kia.
     Nhưng còn câu chuyện về một người điên rất vui?
     Bỗng nhớ lại một đoạn thơ, mà có lần vào một buổi trưa, tôi và Tiên đã đem ra bình luận, tranh cãi kịch liệt :
Ở bên đường ngồi lại
Những người đếm tóc nhau
Kỉ niệm về kinh hãi
Màu mắt thuở xa nào...
     Kỉ niệm bây giờ không  về “kinh hãi” như lời của Bùi Giáng tiên sinh, nhưng chiều nay cứ nhớ. Nhớ rõ mồn một hình ảnh buổi tối đầu tiên, khi tôi nhìn hai chị em Tiên-Lý đang ngồi say sưa, ôm đàn và hát.
     Ôi, màu mắt thuở xa nào... (Trich YuMe)
(Mình thích chất điên của chị Tiên ^^)